Tôi thích tối chủ nhật. Khi bữa ăn tối đã xong xuôi và nồi niêu xoong chảo đã rửa sạch hết (tôi là cái máy rửa chén trong nhà). Khi mà cái quần và năm cái áo sơ mi để đi làm trong tuần đã ủi xong.  Khi hai thùng rác đã được kéo ra phía trước nhà (thứ Hai là ngày đường phố nhà tôi đổ rác). Khi mà những bài hàng tuần đã đăng lên trang web xong xuôi. Thường tới mục này xong thì đã tới giờ đi ngủ để ngày mai đủ sức mà tiếp tục cày bừa. Nhưng lâu lâu cũng có bữa Chủ Nhật rảnh rổi hơn những Chủ Nhật khác, không phải vì một ngày tự nhiên dài thành 26 tiếng, nhưng vì tôi nổi hứng sảng. Tôi thường rót một li rượu vang đỏ, ngồi một mình trong phòng làm việc và nghe một hai bài nhạc...

Hôm nay tôi nghe đi nghe lại bài Đàn Về Với Im Lặng của Vỹ (Quốc Bảo đặt lời và hòa âm). Nhạc của Vỹ luôn luôn có ít nhiều gì đó mới lạ, ít ra là qua hai lỗ trai của tôi. Ví dụ, tôi nghe đi nghe lại dĩa Căn Nhà Nhỏ mà không thấy ớn (hi vọng là Căn Nhà Nhỏ sẽ sớm được phát hành sớm). Còn bài này nghe xong tự nhiên tôi liên tưởng tới vài bài hát của Mahler. Tự nhiên vậy thôi, tai tôi là tai trâu, không đủ trình độ để lý giải nhạc mà chỉ nghe và cảm. Có lẽ vì phần nhạc đệm, có lẽ vì bài nhạc là về cái chết...

* * *

Mấy hôm rày tôi cùng với một người bạn lu bu cho cái trang web amnhac.me. Lúc đầu chỉ là nổi hứng nói đại cho vui miệng, nhưng rồi chuyện này dẫn đấn chuyện nọ... Sau cùng thì cũng có cái bản nháp của trang web, dù rằng không biết làm cái trang web như vậy để làm quái gì.

Đem cái bản nháp ra hỏi một cô bạn ở quê nhà thì cổ cố vấn là nếu chỉ quanh quẩn với những nhạc sĩ như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và những ca sĩ như Thái Thanh và Khánh Ly thì giới hạn quá, nên thoáng hơn, giới thiệu nhạc mới viết sau 1975 và những ca sĩ trẻ hiện đại hơn. Tôi thấy mấy chữ , giới hạn mà đi đôi với Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hay Thái Thanh và Khánh Ly thì không ổn cho lắm. Tuy nhiên cũng nghe lời cố vấn xem sao. Tôi lựa đại Hồng Nhung và Ngọc Hạ để bắt đầu. Lên mạng đọc trang wiki, google tìm hình tìm bài, vô youtube coi video, tìm tải lậu xuống vài CD... và qua nhà bà nhạc mượn vài DVD ca nhạc có hai cô hát.  

Tôi nghe lướt qua mấy CD của Hồng Nhung. Cô hát nhạc Trịnh Công Sơn hay, nhưng không như cô Khánh Ly. Còn nhạc của những nhạc sĩ mới khác thì chắc cũng hay nhưng cần phải có thì gian tôi mới tiêu hóa nổi. Trong mấy DVD, tôi thích cái cách cô đứng hát, nghiêm chỉnh, bàn tay lúc để lên bụng lúc để trên tim, dùng khuôn mặt giọng hát lời ca để biểu diễn chớ không cần phải đi tới đi lui, nhún lên nhún xuống, lắc qua lắc lại. Tôi còn phục cô là dù hàm răng cô hơi mất trật tự nhưng cô vẫn cứ tỉnh queo nhăn răng cười với nó mấy chục năm trường nay.  Tôi thấy vậy mà có duyên.

Còn cô Ngọc Hạ thì ca nhạc Phạm Duy hay, nhưng chắc cô không bao giờ bắt kịp cô Thái Thanh. Trong mấy show ca nhạc, trên sân khấu cô trông tươi vui nhí nhảnh, nhìn khuôn mặt cô tôi liên tưởng tới cô bé Anna Paquin trong phim Piano. Cô cũng làm điệu một chút trong lúc ca hát nhưng không đến nỗi. Chỉ cái kiểu tóc búi cao là coi không xuôi mắt tí nào, nhứt là trong mấy DVD hồi cô mới xuất hiện. Chắc tại cô không cao cho lắm, nên mấy ngài makeup mới cố vấn như vậy. Tôi nghĩ cao hay thấp thì có ăn thua gì đâu, miễn ca hay là được rồi.

Các bạn thấy không, bàn chuyện âm nhạc ca hát này nọ mà nãy giờ tôi chỉ bàn về hàm răng cô Hồng Nhung và chiều cao cô Ngọc Hạ là chính, còn về giọng ca của mấy cổ thì chỉ bàn lớt lớt. Đại khái show business là vậy, bề ngoài và những chuyện hôi nách rất quan trọng và ăn khách. Cho nên có rất nhiều tạp chí, trang web và blogs chuyên trị mấy vụ này là vậy, từ đông qua tây, cả ta lẫn tàu. Toàn những tin như cô ca sĩ này bỏ chồng, cô kia mới bơm ngực, cô nọ mới vô tình khoe hàng, chàng kia là bê đê, vân vân và vân vân. Tôi cũng thử bắt chước nhưng coi bộ không xong, và nếu trang web amnhac.me cũng theo kiểu này thì thôi, làm chi tốn thì giờ mệt xác!

* * *

Tôi coi qua danh sách mấy album đăng trên cuongde.org, thấy có mấy album của cô Lê Dung do bác Hiền tải lên. Vô đại cái album Những Tác Phẩm Thính Phòng thì mới giật mình. Ngoài những bài hát nổi tiếng như Serenade, Ave Maria, cô còn hát mấy cái aria nổi tiếng trong mấy vở opera bất hủ như Carmen, Tosca, La Traviata ... Bài Serenade tôi chưa nghe ca sĩ Việt Nam nào ca hay và đúng điệu như cô Lê Dung, còn mấy aria thì thú thiệt tôi chưa nghe soprano Việt Nam nào khác ca thì làm sao mà so sánh! Thành ra phải nói là cô Lê Dung là số một!

Tôi nghe thêm một vài bài nhạc vàng Việt Nam trong mấy CD khác của cô Lê Dung thì lại hơi thất vọng. Giọng hát cô nghe không truyền cảm như khi nghe cô hát nhạc cổ điển, có lẽ cũng như Dame Sutherland hát nhạc pop, hay Dame Kiri hát nhạc jazz chăng. Không tin tôi thì các bạn nghe thử bài Hướng Về Hà Nội (CD Tiếng Thời Gian) hay bài Paris Có Gì Lạ Không Em (CD Dạ Khúc). Cũng có lẽ vì cô Thái Thanh hát hai bài này hay quá, nghe riết quen thành ra tôi nghe không thấy ai hát hay hơn nữa.

Đại khái là vậy, cô Lê Dung là một tên tuổi lớn, mà tôi cóc ngồi đáy giếng, cô mất lâu rồi mà giờ tôi mới có dịp nghe cô hát. Có lẽ cần nhiều năm nữa tôi mới bắt kịp được với cái nền tân nhạc hát ở bên nhà hai ba chục năm qua. Amnhac.me có lẽ là một cái cớ, dù rất tình cờ. Hi vọng là sẽ còn nhiều dịp để tám tiếp chuyện nghe nhạc.

* * *

Trở lại bài Đàn Về Với Im Lặng của Vỹ, tôi mới nghe lại thêm vài lần nữa. Ông Quốc Bảo ghi chú là bài hát "không nói về tình yêu, mà về cái chết", thì tôi không đồng ý cho lắm. Cái chết nào cũng dính tới tình yêu cả, không trực tiếp thì gián tiếp, bởi vì chết là mất mát, là chia xa, là vĩnh quyết... Mà cái chết của Chopin là một mất mát lớn, trong đó có cả tình yêu. Nếu tình đã phai nhạt mất hương đầu, hỏi rằng ai có quên nhau? George Sand không có mặt bên giường bệnh của Chopin, và trước khi chết Chopin còn lẩm bẩm: "vậy mà nàng nói ta sẽ chết trong vòng tay nàng". Sand thì đã quên mà Chopin thì vẫn nhớ.

Đàn câm tiếng thì ai đó khóc thầm
Và ai mùa đông giá đốt trầm?

Đó chính là Jane Stirling, cô học trò của Chopin. Cô yêu Chopin nhưng Chopin không đáp lại, bởi trái tim Chopin đã chết. Jane là người đã thuê căn apartment ở số 12 Place Vendôme cho Chopin. Đây là một căn apartment đắt tiền, trước đó là toà nhà nơi người Nga dùng làm Sứ Quán. Sau khi Chopin mất, cô Jane Stirling ăn mặc đại tang trong suốt mấy năm. Cứ như là để tang cho ...chồng vậy ! Đây chính là một trong những ngưòi đốt trầm trong mùa đông giá.

Nghe lại thêm một lần nữa, bài Đàn Về Với Im Lặng như những lời than vãn, rên rỉ về một nỗi buồn rầu, một nỗi đau đớn nào đó, nghe sao thê lương, ray rức... Nghe riết làm tôi cảm thấy có thể khóc than Chopin chỉ là cái cớ, mà thật ra Vỹ muốn nói về một mất mát nào đó to lớn hơn, cho một kiếp người, mà Vỹ đã trải qua, đã cảm nghiệm, đã chịu đựng. Bài nhạc như là một cách để Vỹ chia xẻ nỗi buồn, nỗi mất mát này với người nghe.

Nhưng cũng có thể là tôi chỉ tưởng tượng linh tinh, bàn chuyện tào lao. Bời vì âm nhạc là để nghe và cảm nhận, chớ không nên tám!


Nguyễn Sĩ Hạnh
Cuối tháng 2/2011
 
Nguồn: http://cuongde.org